Ảnh hưởng Nhân đạo, Kinh tế và Môi trường Động_đất_và_sóng_thần_Ấn_Độ_Dương_2004

Nhân đạo

Cần có một chiến dịch rộng lớn vận động trợ giúp nhân đạo mới có thể bù đắp những thiệt hại nặng nề về hạ tầng cơ sở, thiếu thốn nước, thực phẩm và những thiệt hại về kinh tế. Dịch bệnh cũng là một quan ngại đặc biệt do mật độ dân số cao và khí hậu nhiệt đới tại những vùng bị ảnh hưởng. Mối quan tâm chính của các tổ chức nhân đạo và các cơ quan chính phủ là cung cấp các phương tiện vệ sinh và nước sạch để kiểm soát sự lây lan các loại bệnh như tiêu chảy, bệnh bạch hầu, bệnh lỵ, thương hàn và viêm gan siêu vi A & B.

Cũng có những quan ngại về việc số tử vong cao sẽ làm lây lan dịch bệnh cũng như nạn đói. Tuy nhiên, do được xử lý kịp thời, những nguy cơ này đã được giảm thiểu.[20]

Trong những ngày sau thảm họa, người ta phải làm việc cật lực để chôn cất tử thi hầu tránh bùng nổ dịch bệnh. Chương trình Lương thực Thế giới đã trợ giúp cho hơn 1, 3 triệu người là nạn nhân sóng thần.[21]

Các quốc gia trên khắp thế giới cung cấp hơn 3 tỉ USD trợ giúp những vùng bị thiệt hại; chính phủ Úc hứa hẹn 819, 9 triệu USD (trong đó có khoản viện trợ trọn gói 760,6 triệu USD cho Indonesia), chính phủ Đức 660 triệu USD, chính phủ Nhật Bản 500 triệu USD, chính phủ Canada 425 CAD, chính phủ Na Uy 170 triệu USD, chính phủ Mỹ lúc ban đầu là 35 triệu, Ngân hàng Thế giới 250 triệu. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết Hoa Kỳ cam kết ngân quỹ bổ sung trong khuôn khổ của chương trình trợ giúp dài hạn dành cho nạn nhân sóng thần xây dựng lại cuộc sống. Ngày 9 tháng 2 năm 2005, Tổng thống George W. Bush yêu cầu Quốc hội gia tăng cam kết đóng góp của Hoa Kỳ lên đến 950 triệu USD. Các viên chức ước tính phải cần đến hàng tỉ USD. Bush yêu cầu cha, cựu tổng thống George H. W. Bush, và cựu tổng thống Bill Clinton, dẫn đầu một nỗ lực của Hoa Kỳ cung cấp những trợ giúp tư nhân cho nạn nhân sóng thần.[22]

Đến trung tuần tháng Ba, theo tường trình của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), số tiền hơn 4 tỉ USD mà các chính phủ hứa hẹn bị giải ngân chậm. Sri Lanka báo cáo rằng họ không nhận được khoản viện trợ nào từ chính phủ nước ngoài, trong khi những trợ giúp cá nhân từ hải ngoại thì dồi dào.[23] Các tổ chức từ thiện nhận nhiều đóng góp hào phóng từ công chúng chẳng hạn như ở Anh, số tiền quyên góp của dân chúng lên đến gần 600 triệu USD, vượt quá mức đóng góp của chính phủ, tính trung bình mỗi người dân Anh tặng 10 USD, trong số đó có cả người vô gia cư và trẻ em.

Kinh tế

Người ta có thể dễ dàng nhận ra những tác hại trên cộng đồng ngư dân và những người sống bằng nghề nuôi trồng thuỷ sản, một số được xem là nghèo nhất vùng, mất kế sinh nhai, mất luôn tàu thuyền và phương tiện đánh bắt.[24] Ở những vùng duyên hải thuộc Sri Lanka, nơi mà nghề đánh bắt thủ công là nguồn cung cấp chính các loại cá cho chợ búa trong vùng và công nghiệp thuỷ hải sản là hoạt động kinh tế chính, thu hút nhân công trực tiếp khoảng 250.000 người. Trong những năm gần đây, công nghiệp này trở nên khu vực xuất khẩu năng động, tạo ra nguồn thu ngoại thương căn bản cho đất nước. Song, theo ước tính ban đầu, đến 66% đội tàu đánh bắt hải sản và cơ sở hạ tầng công nghiệp trong vùng duyên hải đã bị tàn phá bởi những đợt sóng thần, làm đảo ngược hiệu quả kinh tế của địa phương và quốc gia.[25]

Có một số kinh tế gia cho rằng thiệt hại kinh tế của những quốc gia bị ảnh hưởng là không nghiêm trọng, vì những tổn thất trong ngành du lịch và đánh bắt hải sản chiếm tỉ trọng tương đối nhỏ trong GDP. Nhưng có những cảnh báo về thiệt hại cơ sở hạ tầng, xem đó là một nhân tố khó lường. Trong một số khu vực, đồng ruộng và nguồn cung cấp nước uống bị ô nhiễm trong nhiều năm do nước biển tràn vào.[26]

Động đất và sóng thần có thể ảnh hưởng đến thuỷ lộ đi qua Eo biển Malacca vì làm thay đổi độ sâu đáy biển, làm xáo trộn các phao hoa tiêu và những xác tàu chìm. Thiết lập hải đồ hoa tiêu mới phải mất hàng tháng hoặc hàng năm.[27]

Các quốc gia trong vùng nỗ lực kêu gọi du khách trở lại, chỉ ra rằng hầu hết cơ sở hạ tầng du lịch vẫn còn nguyên vẹn. Dù vậy, du khách không mặn mà với ý tưởng trở lại những nơi ấy vì những lý do tâm lý. Ngay cả những khu nghỉ dưỡng ven bờ Thái Bình Dương của Thái Lan, không bị tàn phá bởi sóng thần, nhưng bị suy sụp vì du khách huỷ bỏ kỳ nghỉ. Tuy nhiên, một năm sau thảm hoạ sóng thần, ngành du lịch bắt đầu khởi sắc trở lại, với mong đợi được phục hồi hoàn toàn vào năm 2006.

Môi trường

Một ngôi làng ven bờ biển Sumatra đổ nát sau thảm họa.

Còn lớn hơn những tổn thất nhân mạng, cơn địa chấn Ấn Độ Dương gây ra những thiệt hại khổng lồ về môi trường, ảnh hưởng đến các quốc gia trong vùng trong nhiều năm tới. Có những bản tường trình về sự thiệt hại nghiêm trọng tác hại đến các hệ sinh thái như rừng đước, rặng san hô, rừng cây, vùng đất ngập mặn duyên hải, hệ thực vật, đồi cát, cấu tạo đá, nguồn nước ngầm và tính đa dạng sinh học động vật và thực vật. Hơn nữa, sự phát tán chất thải rắn và lỏng cùng các loại hoá chất, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, sự tàn phá hệ thống cống rãnh và những nhà máy xử lý đang đe doạ môi trường theo hướng khó lường. Cần phải có nhiều thời gian và nguồn tài nguyên dồi dào mới có thể thẩm định hết những tác hại trên môi trường.[28]

Theo các chuyên gia, tác hại lớn nhất là ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm đất do nước mặn từ biển thâm nhập vào đất liền, cấu tạo một lớp muối trên bề mặt đất trồng trọt. Tại Maldives, có từ 16 đến 17 đảo san hô vòng (coral reef atoll) bị tràn ngập bởi sóng biển nên hoàn toàn không còn nước ngọt và được xem là không thể phục hồi trong vài thập niên tới. Vô số giếng nước phục vụ các cộng đồng dân cư bị vùi lấp bởi đất, cát và nước biển; những tầng nước ngầm (aquifer) bị đá tàng ong xâm lấn. Đất bị ngập nước biển trở nên cằn cỗi, không dễ dàng gì mà lại tốn kém nếu muốn phục hồi chúng thành đất nông nghiệp. Nước biển làm chết cây cối và huỷ diệt các loại vi sinh vật rất cần cho đất. Hàng ngàn cánh đồng trồng lúa và nông trang trồng xoài và chuối ở Sri Lanka bị huỷ hoại hoàn toàn và phải mất nhiều năm để phục hồi chúng.

Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) đang hợp tác với các chính phủ trong vùng xác định độ nghiêm trọng của những tác hại sinh thái và tìm cách định danh (để xử lý) chúng.[29] UNEP đã dành 1 triệu USD cho quỹ khẩn cấp và thành lập một lực lượng đặc nhiệm cho mục đích này.[30] Theo yêu cầu của chính phủ Maldives, chính phủ Úc gởi những chuyên gia sinh thái đến giúp phục hồi môi trường biển và những rặng san hô – là huyết mạch của công nghiệp du lịch Maldives. Phần lớn kiến thức chuyên ngành sinh thái được thu thập từ các hoạt động tại rặng san hô Great Barrier thuộc lãnh hải đông bắc Úc.

Những Ảnh hưởng khác

Nhiều chuyên gia y tế và nhân viên viện trợ báo cáo về những sang chấn tâm lý sau thảm hoạ sóng thần. Niềm tin lâu đời của cư dân trong vùng đòi hỏi họ có bổn phận chôn cất tử tế người chết; điều này trở nên một sự dằn vặt và dần dà hình thành những chấn thương tâm lý.

Aceh, vùng gánh chịu sự tàn phá lớn nhất của thảm hoạ, là một xã hội Hồi giáo bảo thủ; ở đây không có du lịch, cũng không có sự hiện diện của người phương Tây trong những năm gần đây vì sự xung đột vũ trang giữa chính phủ Indonesia và phiến quân ly khai. Nhiều người tin rằng thảm họa sóng thần là sự trừng phạt vì cớ những người Hồi giáo trốn tránh lễ cầu nguyện hằng ngày cũng như theo đuổi một cuộc sống chuộng vật chất, trong khi những người khác tin rằng ấy là do Allah nổi cơn thịnh nộ đối với việc người Hồi giáo tàn sát lẫn nhau.[31]

Chỉ có một điều duy nhất được xem là hệ quả tích cực của sóng thần là nước đã cuốn trôi cát lưu cữu hàng thế kỷ trên những phế tích của thành phố cổ 1.200 năm tuổi tại Mahabalipuram ở bờ biển phía nam Ấn Độ. Phế tích này có những kiến trúc quan trọng như tượng sư tử bằng đá granite chôn nửa thân người, nằm kế cận đền thờ Mahablipuram có từ thế kỷ thứ bảy, và những tượng đắp nổi hình một con voi, đây là một phần trong điều mà các nhà khảo cổ tin là một thành phố cảng cổ đại đã bị chìm sâu dưới đáy biển hàng trăm năm trước.[32][33]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Động_đất_và_sóng_thần_Ấn_Độ_Dương_2004 http://www.smh.com.au/specials/tsunami/ http://www.abc.net.au/news/newsitems/200501/s12757... http://english.people.com.cn/200501/13/eng20050113... http://nebuchadnezzarwoollyd.blogspot.com/2009/12/... http://www.cbsnews.com/stories/2005/02/21/earlysho... http://www.channelnewsasia.com/stories/afp_asiapac... http://www.chrisvalentines.com/projects/tsunami.ht... http://edition.cnn.com/2005/TECH/science/05/19/sum... http://edition.cnn.com/SPECIALS/2004/tsunami.disas... http://edition.cnn.com/SPECIALS/2005/tsunami.oneye...